Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Nhậu nhiều để phát triển đất nước!

"Nam vô tửu như kỳ vô phong" - đàn ông mà không uống rượu (hồi này có thêm bia nữa nhé) thì như cờ không có gió. Câu nói xưa kia chẳng qua là sự biện hộ cho mấy ông thích nhậu, mà thời đó mấy ông đi nhậu mấy bà đâu giám hó hé nửa lời, còn lại phải làm mồi, đi mua rượu cho mấy ông nữa chứ... Rõ khổ!!!

Thời nay nhậu vẫn còn, mà còn nhiều hơn nữa mới ác chứ. Vậy nhưng chả có vị giáo sư tiến sĩ nào làm cái đề tài khoa học rằng "Nhậu là một hiện tượng xã hội... góp phần phát triển đất nước".

Tôi nói vậy không ngoa đâu nhé, để tôi chứng minh cho nè:

Thường người ta làm ăn kinh doanh, để có được hợp đồng người ta cũng kéo nhau vào quán nhậu, để tranh làm quen rồi tiến tới thân được với sếp người ta cũng vào quán nhậu, để kéo bè kéo phái hợp lực "tấn công" người khác thì người ta cũng kéo nhau vào quán nhậu... Vậy thì nhậu giải quyết được nhiều vấn đề ấy chứ, vậy nên nhậu mới giải quyết được việc. Rồi, đến đây chúng ta bắt đầu thấy "Nhậu" là một nhu cầu, mà nhu cầu lớn ấy chứ, mà đã có nhu cầu tức phải có cung ứng, vậy là quán nhậu mở ra nhan nhản khắp nơi để đáp ứng cái nhu cầu ấy. Thế mở quán nhậu rồi thì phải tuyển người làm, giải quyết được khối công ăn việc làm cho xã hội đấy nhé, từ anh đầu bếp cho đến phục vụ, từ anh quản lý đến các em rót bia gắp đá. Rồi nhậu mà không có bia, có mồi sao nhậu được, vậy là các nhà máy bia phải đua nhau mở, rồi bà con nông dân mình trồng rau, nuôi cá, thịt... lại có thêm được đầu ra phục vụ các anh nhậu.

Ở một góc độ khác, nhậu nhiều thì mới sinh ra bệnh này bệnh nọ, có bệnh thì bệnh viện mới có bệnh nhân, y bác sỹ mới có công ăn việc làm, rồi mấy anh sản xuất dược mới chế thuốc ra để bán... Ôi thôi, cả một chuỗi cung ứng mới được hình thành từ nhậu, cũng giải quyết khối công ăn việc làm và mang lại nguồn thu tốt cho các cơ sở y tế.

Hơn thế nữa, nhậu nhiều thì gây tai nạn nhiều, có vậy chiếc xe nó mới mau hư rồi mua xe mới, điều này lại góp phần cho mấy cái nhà máy sản xuất lắp ráp xe ăn nên làm ra, giải quyết được công ăn việc làm, tiền thuế đóng ngày một nhiều hơn.

Nhậu nhiều về vợ nó hay cằn nhằng, mà quen rồi, mấy em rót bia ở quán sao lúc nào cũng ngọt ngào, còn vợ cứ thấy vừa về tới nhà là đã thế này thế nọ, rồi cãi nhau, rồi ra tòa. Thế là mấy anh bên tư pháp, tòa án gì gì đó có việc để làm nữa.

Mới nêu sơ sơ chừng đó đã thấy một chuỗi cung ứng hoàn hảo cho xã hội rồi nhé. Chả thế mà các nhà máy bia ở mỗi địa phương như con gà đẻ trứng vàng ấy, đóng góp nguồn thu cho địa phương rất tốt, tốt đến mức chả có ngành nào mang lại được nguồn thu lớn đến thế (có tỉnh thành nguồn thu từ cái nhà máy bia chiếm đến 1/3 tổng thu của địa phương đó).

Nghĩ đến đây, chắc chỉ muốn đóng cửa công ty, rút vốn đi đầu tư quán nhậu thôi.!!!

Cổ Gia Thọ - Chuyện ít biết về ông chủ thương hiệu bút bi Thiên Long

Nói đến bút bi Thiên Long thì hẳn không ai không biết. Tuy nhiên, ít ai biết câu chuyện về ông chủ đóng góp công đầu đưa Thiên Long đến danh hiệu “bút vở số một Việt Nam” - Cổ Gia Thọ.

“Hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ không cho phép tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ được đến trường. Gia đình tôi có tới 10 anh chị em, mà tôi lại là con cả. Ba mẹ tôi làm quần quật từ sáng tới khuya cũng chỉ đủ ăn là may lắm rồi. Vì vậy, tôi bắt đầu việc phụ giúp gia đình bằng cách bán vé số, thuốc lá... rồi sau này lớn hơn thì làm công nhân điện cơ ở Quận 6. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nói chung mọi cố gắng lúc bấy giờ chỉ là để duy trì sự tồn tại trước đã, còn tương lai thì mờ mịt lắm” - Cổ Gia Thọ bộc bạch.

Năm 1981, từng đi bán bút bi dạo, Cổ Gia Thọ bắt đầu bén duyên với bút bi và anh quyết định đầu tư làm thử. Lúc ấy, thị trường Việt Nam và Campuchia chỉ có hàng của Thái Lan. Bút bi hiếm đến mức, người ta còn phải bơm mực vào để tái sử dụng. 2 chỉ vàng dành dụm trong suốt những năm tháng lao động cực nhọc chỉ giúp anh mua được một chiếc máy ép nhựa bằng tay, và thế là lại phải chậm chạp gom góp từng đồng xu nhỏ nhất để có nguyên liệu đầu vào. Ngay cả khi đã ép được những chiếc bút đầu tiên, anh cũng phải tự mang đi rao bán chứ không thể đổ với số lượng lớn vì cạn vốn.

Ban đầu, Cổ Gia Thọ đặt tên cho sản phẩm của mình là Vũ Trụ và sau đó lại đổi thành Thăng Long. Hết tháng này qua tháng khác, Cổ Gia Thọ kiên nhẫn tự đảm nhiệm hết các khâu từ sản xuất đến bán hàng và tiền thu về cũng dần tăng lên.

Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long chia sẻ: “Tới năm 1985, tôi quyết định đổi tên sản phẩm từ Thăng Long sang Thiên Long, với ý nghĩa Việt Nam là con rồng cháu tiên và mong muốn con đường kinh doanh của mình thuận buồm xuôi gió.

“Trước kia, tôi không có điều kiện học nhiều, điều đó thực sự rất đáng tiếc. Nhưng bước vào cuộc sống, tôi luôn nỗ lực học hỏi từ đối tác, đồng nghiệp, bất cứ khi nào và ở đâu cũng vậy. Ngoài ra, tôi phải dành rất nhiều thời gian đọc sách, tham gia một số khóa đào tạo quản lý ở Mỹ và Đài Loan. Nếu không có quá trình tự trau dồi kiến thức, tôi nghĩ mình chẳng thể có được ngày hôm nay”.

Ông chủ hãng bút bi đầu tiên của Việt Nam
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long - Cổ Gia Thọ

Ở Việt Nam, sản phẩm của Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long (sản phẩm chủ đạo trong thời gian đầu là chiếc bút bi Thiên Long) đã để lại ấn tượng rất mạnh với người tiêu dùng. Nhưng ít ai biết rằng, để gìn giữ sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nhiều năm qua, chủ nhân của thương hiệu này đã lập nên một kế hoạch đầy mạo hiểm: đưa Thiên Long tới châu Âu.

Vào năm 2000, quyết định này của Cổ Gia Thọ khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi. Quốc gia đầu tiên Thiên Long chọn làm bến đỗ là nước Đức – thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Ai có thể tin nổi anh dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng kinh phí để đưa các sản phẩm của Thiên Long đến trời Âu, mà ở đó chất lượng hàng hóa được người tiêu dùng “soi” rất kỹ?  Lại có sự cạnh tranh mạnh mẽ của những dòng sản phẩm mà các nước sở tại vẫn ưa dùng?

Thế nhưng, không chỉ ở Đức, sản phẩm của Thiên Long sau đó còn xuất hiện ở rất nhiều thị trường khác như: Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đức, Mexico, Thụy Sĩ…Đây chính là điểm khác biệt hay nói cách khác thì có thể coi đó như một bước đột phá trong nghiệp kinh doanh của vị chủ tịch Tập đoàn Thiên Long.

Anh Thọ bật mí: “Tôi thực sự xúc động và tự hào khi đi công tác ở đâu đó trên thế giới lại được sử dụng chiếc bút bi Thiên Long do chính người bản địa đưa cho mình. Thông qua những thị trường ấy, Thiên Long sẽ có sự điều chỉnh hợp lý hơn về chất lượng sản phẩm với thị trường các nước khác và đặc biệt luôn gìn giữ được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam”.

Cho tới gần đây, người ta mới thấy toan tính này của anh là chính xác và nhanh chân hơn các nhà sản xuất khác một bước với ý định tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường nội địa và tạo nên giá trị sản phẩm đúng với tiêu chuẩn quốc tế, lo tới một cuộc cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ khác khi Việt Nam gia nhập WTO.

Cho tới nay, ở thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia, sản phẩm của Thiên Long đang chiếm khoảng 70% thị phần. Đặc biết, có hai quốc gia được liệt vào hạng sang ở châu Á là Singapore, Nhật Bản... cũng đã ghi dấu sự xuất hiện của Thiên Long.

Hiện nay, Thiên Long đã có hơn 2000 nghìn nhân viên, hơn 100 nhà phân phối và hơn 22 nghìn điểm bán hàng trải đều khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Tuy vậy, người sáng lập nên Thiên Long mới coi những thành công ấy như sự khởi đầu và đang gấp rút triển khai một chiến dịch lớn trong 5 năm tới nhằm phát triển tập đoàn tiếp tục có những bước đột phá ở thị trường nước ngoài.

Cuộc đời của Cổ Gia Thọ cuốn theo rất nhiều ẩn số, khiến không ít người bảo rằng đó là chuyện cổ tích. Đôi khi ngoảnh lại con đường đã đi qua, Cổ Gia Thọ cũng nói, thật khó tin là mình lại có được ngày hôm nay.

Anh chỉ biết duy nhất một điều là phải dành tất cả thời gian của mình để làm việc, để xua đuổi cái nghèo đeo bám gia đình, đeo bám bản thân, và nhất là gặp phải vô vàn khó khăn khi khởi nghiệp mà chưa được học hành bài bản như nhiều doanh nhân khác.Với anh, những thành quả của ngày hôm nay luôn phải vượt hôm qua nhưng chưa thể bằng ngày mai. Có điều giờ đây mọi thứ anh đang cố gắng không còn bởi cuộc sống của chính mình như cách đây ba mươi năm, mà vì muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

“Tôi nghĩ rằng giá trị đích thực trong cuộc sống của mỗi con người chính là được lao động và chia sẻ thành quả có được với cộng đồng. Những gì tôi làm luôn gắn liền với sứ mệnh của Thiên Long: Tiên phong trong công nghệ và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đột phá phục vụ người tiêu dùng, cùng nhau xây dựng cộng đồng phát triển vững mạnh, mang tính nhân đạo, nhân văn” – anh Thọ chia sẻ.





Phong cách quản lý của Bill Gates

Từ khi thành lập Microsoft năm 1975 cho đến 2006, Gates có trách nhiệm chính trong chiến lược sản phẩm của công ty. Ông đã tích cực mở rộng phạm vi sản phẩm của công ty, và ở bất cứ nơi nào Microsoft đạt được vị trí thống trị của nó thì ông mạnh mẽ bảo vệ vị thế này.


Ông đạt được danh tiếng vượt xa so với những người khác; vào đầu năm 1981 một giám đốc điều hành công nghiệp phàn nàn trước công chúng rằng: "Gates có tính xấu là không chịu nghe và trả lời bằng điện thoại." Một vị giám đốc khác nhớ lại rằng sau khi chỉ cho Gates cách chơi một trò trơi điện tử và ông đã đánh bại anh ta với tỷ số 35 trên 37 ván, và khi hai người gặp lại nhau một tháng sau thì Gates "đã giành chiến thắng hoặc mê mẩn với trò chơi. Anh đã nghiên cứu trò này cho đến khi có thể giải được nó. Đây đúng là một đối thủ cạnh tranh."

Là giám đốc điều hành, Gates thường xuyên gặp gỡ với các nhà quản lý cấp cao và quản lý chương trình phần mềm của Microsoft. Những người tham dự các cuộc họp này mô tả ông luôn sẵn sàng tranh luận trực tiếp, hoặc trách móc các thành viên quản lý để mọi người nhận thấy được các lỗ hổng trong chiến lược kinh doanh của họ hoặc những rủi ro trong đề xuất khi tính đến lợi ích lâu dài của công ty.

Ông thường ngắt lời người thuyết trình với những câu phê phán như, "tại sao anh không từ bỏ quyền chọn của mình và gia nhập Peace Corps?". Những người này sẽ phải bảo vệ đề xuất của mình trước những phản biện của ông cho đến khi người đó hoàn toàn thuyết phục được Gates hay không. Khi những người cấp dưới có vẻ chần chừ và muốn trì hoãn, ông thường nói một cách châm biếm rằng, "tôi sẽ làm việc đó vào cuối tuần."

Vai trò của Gates tại Microsoft trong phần lớn lịch sử của tập đoàn chủ yếu là người quản lý và điều hành. Tuy nhiên, ông cũng tham gia vào phát triển phần mềm trong những ngày đầu của công ty, đặc biệt về các sản phẩm ngôn ngữ lập trình. Ông không còn đảm nhiệm trưởng nhóm phát triển phần mềm kể từ sản phẩm TRS-80 Model 100 (1983), nhưng vẫn còn viết mã chương trình cho các sản phẩm của công ty cho đến 1989. Ngày 15 tháng 6, 2006, Gates tuyên bố ông rời vị trí quản lý thường nhật của tập đoàn trong hai năm tiếp theo để giành thêm thời gian cho công tác từ thiện. Ông quyết định chia trọng trách đảm nhiệm của mình, đề bạt Ray Ozzie là người quản lý hàng ngày và Craig Mundie giữ vai trò quản lý chiến lược sản phẩm dài hạn.